Categories
Me

9/11

Nhớ rằng 1 ngày nào đó, mới đây thôi, trong ký ức, trong tư tưởng như mới hôm qua mà bây giờ đã 20 năm. 20 năm trôi qua. 20 năm thay đổi. 20 năm biến chuyển. Trong 20 năm có nhiều sự mất, sự còn, trôi theo dòng thời gian. Một thế hệ đã qua. Có những người, tôi quen, bị ảnh hưởng rất lớn vì sự biến cố của 9/11, và cũng có nhiều người vì 9/11 mà cuộc đời đã không còn như xưa – thay đổi tất cả. Dường như nước Mỹ và người dân đã mất đi ngày tháng ngây thơ sau 9/11. Và 9/11 đã trở thành 1 khoảng ghi nhớ như nhiều người nhớ lại và hay nói, “lúc 9/11 tôi đã làm gì…”, “khi 9/11 tôi đang ở đâu…”, “9/11 tôi phải gọi điện tìm người thân ở trên New York City, ở trên thủ đô DC hay trên 1 chuyến bay nào đó mà không biết chuyện gì xảy ra…”, “cái cảm giác của 9/11 khi nghe trên dài tv…”, và nhiều suy tưởng lại ngày đó đang ở đâu, đang làm gì, đang với ai và v.v.

Đầu năm 2001, tôi vừa bước chân đến thủ đô DC. Không biết tôi chọn DC hay là DC chọn tôi, nhưng chân ướt chân ráo, tôi bắt đầu cuộc hành trình mới xa gia đình. Đây là lần đầu tôi sống xa gia đình, xa bạn bè, xa những nét quen thuộc. Chung quanh tôi toàn là những xa lạ, đường phố không quen, người cũng không biết ai như 1 mình tôi đi giữa đám đông, tuy cô độc nhưng không cô đơn. Tôi thấy nhiều ước mơ ở phía trước, nhiều nét đẹp của ánh đèn đêm, và nhiều cơ hội cho cuộc đời. Như 1 tờ giấy trắng, tôi bắt đầu vẽ cho tôi những con đường, những nhịp bước để đi đến giấc mơ và đạt những gì tôi muốn. Bước đầu và bắt đầu ở đâu cũng khó khăn, riêng biệt ở xa nhà lại càng khó khăn hơn, phải trải qua nhiều thử thách, và nhiều lần đã lạc bước và thất lạc niềm tin. Nhưng cuối cùng cũng đạt được 1 chút tự hào, tự nuôi được bản thân tôi, và Ba Mẹ tôi không cần phải lo như xưa.

Ngày 11, tháng 9, như mỗi ngày và mỗi sáng, tôi vừa bước vô văn phòng làm việc ở Falls Church, cách thủ đô DC khoảng 20 phút lái xe, và cách Pentagon (nơi bị khủng bố 9/11) khoảng 10 phút lái xe. Công ty tôi làm nhỏ và có vài người – cũng như tôi – mới vừa bước vô văn phòng chuẩn bị cho 1 ngày mới. Lúc đó, tất cả như bình thường, không có cảm giác khác thường hay gì hết. Ở thủ đô DC và vùng lân cận, không bị kẹt xe hoặc không bị trễ chuyến tàu điện mới có chuyện để nói, để than phiền rồi cười cho qua vì đó là bình thường ở vùng đất hứa này.

Tôi vẫn nhớ, đồng nghiệp tôi nghe tin đâu đó là có nhiều người cướp máy bay, cũng không rõ là chuyện gì đã xảy ra, nhưng cả văn phòng tôi và những công ty bên cảnh bước ra khu tiếp khách rộng lớn vì có TV và mở lên xem chuyện gì. Dường như lúc đó chuyến bay đã bay thẳng vào World Trade Center ở New York City, TV chiếu khói và lửa cả 1 góc phố to lớn, và nhiều thiệt hại mà ai cũng đang trong giây phút bất ngờ, không biết nói gì như đang trong giấc chiêm bao hay bất tỉnh – chờ 1 bàn tay đánh thức. Rồi nghe trên dài TV là có thêm vài chuyến bay cũng đang bị chiếm đoạt và có thể bay vào nhiều thành phố trên nước Mỹ. Lúc bây giờ, tình hình không rõ, không biết tương lai sẽ ra sao, và thủ đô DC là 1 trong những nơi mà nhiều dài TV kêu phải chảy ra vì không biết 1 trong những chuyến bay bị chiếm có thể bay thẳng vào.

Sau 9:30 giờ sáng, tất cả cho về nhà chờ xem tình hình, rồi từ từ tính sau. Và không ngờ, sau đó cuộc sống và xã hội ở Mỹ đã bị cướp mất đi niềm tin và ngây thơ. Tất cả đã thay đổi, không còn như 1 đứa bé vô tư cũng vì ngày 11 tháng 9. Thông thường đường về nhà không kẹt xe, nhưng ngày đó mất tôi gần tiếng đồng hồ mới về. Sau này tôi còn biết những người bạn, nghe kệ lại, làm trong trung tâm DC bị kẹt xe cứng, không có đường về và mất mấy tiếng mới ra được. Lúc đó ai cũng trong lo sợ, hoang mang và không biết, không xác định được gì. Về đến nhà, dường như chuyện đầu tiên là mở TV lên xem. Gia đình và bạn bè từ từ liên hệ và hỏi thăm vì biết tôi đang sống ở DC. Nguyên ngày 11, tôi mở TV từ lúc về nhà cho đến khuya. Khi đó chưa có social media (mạng xã hội), TV là nguồn tin tức, là tai mắt ở ngoài. Trên TV chiếu bao nhiêu người chết, cảnh thiệt hại, và mấy cây cầu từ DC đi qua vùng Northern Virginia như 1 bãi đậu xe, giống như cảnh trong mấy phim về ngày tận thế mà tôi từng xem. Có nhiều người bỏ xe, đi bộ về như đang di tản, càng xa trung tâm DC càng tốt, và tránh xa toà nhà chính phủ. Tất cả đường lớn nhỏ rời thủ đô DC đi ra bị tê liệt và không lối thoát.

Nhà tôi cách DC và Pentagon khoảng 30 phút, không nghe được hay thấy mùi khói lửa khi 1 chuyến bay thẳng vào Pentagon, nhưng tôi thấy và nghe tiếng bay trực thăng và nhiều tiếng khác như đang trong vùng chiến tranh. Ngoài đường vắng, ngoài những người đang tìm cách về nhà, không ồn, không tiếng còi như mỗi ngày. Nhưng trong yên lặng và lặng lẽ, tạo ra sợ hải và lo nghĩ, không biết và hiểu chuyện gì. Bầu trời đầu tháng 9 không ấm áp và nắng vàng như thường lệ. Có lẽ trong không gian mịt mù và ủ rủ, dự báo tinh dữ đã đến bờ đất yên lành. Phải chăng chiến tranh sẽ bắt đầu, và bao nhiêu người đã chết, vài ai đã làm tổn thương đến nước Mỹ. Trong sự lo âu và khủng khiếp, tinh thần người dân ở DC rất can đảm, ủng hộ và giúp đỡ nhau. Người sống ở DC lạnh lùng trở thành ấm áp và thân thiện.

Nhiều ngày sau 9/11, dường như còn trong sự bất ngờ, không tin những gì đã xảy ra trước mắt. Ở trên thủ đô DC, ngoài New York City, là trung tâm và phần lớn mục tiêu của khủng bố muốn phá và giết nhiều người. Tất cả, con người và cảm giác lúc đó rất hoang mang, lầm lẫn như 1 ác mộng, và không bao giờ nghĩ sẽ xảy ra ở đất Mỹ. Và dấu vết, vết sẹo của ngày đó còn mãi trong mỗi người cho dù là dân Mỹ hay không, có trải nghiệm hay không, có bị mất mát hay không, cũng là 1 phần trong ký ức, khắc sâu vào lòng người.

Sống ở thủ đô DC như sống qua nhiều màn kịch trong lịch sự. Và tôi đã chứng kiến 1 màn kịch mà cuộc đời tôi không bao giờ quên.