Tiếp theo bài.
Cuối cùng bà già (Mẹ tôi) cũng cho tôi chạy theo hái măng tre sau mấy lần hỏi. Tôi chạy qua đón Mẹ tôi, và đến nhà bà Mỹ trắng có 1 mảnh rừng tre sau nhà. Nhà bà Mỹ trắng là bạn của bà cô tôi. Mỗi năm chỉ cần nói 1 tiếng là tự do vô hái măng tre, không cần xin phép. Thật sự mà nói, bá đó muốn có người đến hái dùm, nếu không phải tự cắt bỏ vì tre mọc và xâm lấn mạnh. Tôi đến nhìn rừng tre nhớ đến Việt Nam và vùng quê xưa của tôi cũng có rừng tre bên cạnh nghĩa trang nhỏ của gia đình hàng xóm. Mỗi lần tôi đi ngang là nhắm mắt chạy qua mau vì sợ ma.
Nhà bà Mỹ trắng ở cuối đường, nằm trên ngọn đồi nhỏ, xung quanh cây cao và rừng rậm. Nhà cũ nằm trong khu cũ của thành phố Charlotte cho nên nhà có đất rộng lớn và cây lớn. Sau nhà là mảnh rừng tre. Tôi nghĩ tre được trồng vài chục năm, cây nào cũng to và cao. Tôi đi giữa rừng tre, có cảm giác như đang ở vùng quê Việt Nam.
Nói đi hái măng tre, nhưng thật sự đi đập măng tre đúng hơn. Mỗi lần đi sâu vô rừng tre, thấy măng dưới đất là lấy chân đập lên, măng gãy và cúi xuống nhắt bỏ vào bao. Đi hết rừng tre cũng gần 45 phút, 3 người mang về 3 bao măng. Mẹ tôi nói năm nay măng tre thất mùa, chứ mấy năm trước, mỗi lần đi là mang về nhiều, và măng to hơn.
Về đến nhà mất nửa buổi lột vỏ ngoài, chỉ lấy phần măng non trong, rồi làm sạch. Bước này mất thời gian, cực, và phải kiên nhẫn ngồi làm từng miếng măng mới ăn được. Làm xong mới biết, Mẹ tôi có thời gian và thích làm mấy chuyện này. Và cũng hiểu và biết thêm, khi xưa mỗi lần được cho 1 bao măng làm xong, tôi còn không muốn lấy về. Bây giờ mới biết, đâu phải dễ dãi đi hái rồi mất thời gian và nhiều bước làm sạch mới ăn được. Nhiêu đó cũng thấy thương bà già mỗi năm chịu khó, chịu cực đi hái và làm sạch mấy chục bao măng.